31 tháng 12, 2015

Cà Tím & Đậu Hủ Chiên



NGUYÊN LIỆU:

 4 trái cà tím dài, 1 trái cà tím hình bầu, 8 đến 10 trái cà tím tròn nhỏ
- 2 đến 3 miếng đậu hủ tươi
-  4 tép tỏi xắt lát hơi dầy, 5 cọng hành lá
- 1 miếng nhỏ gừng, ớt hiểm tươi, ngò
- Dầu olive hay dầu rau cải

Nước Chấm:  
Maggie hoặc xì dầu hay tương xay (loại tương ăn phở), dắm rượu và dắm gừng.

CÁCH LÀM:

Cà Tím:   Sau khi rửa sạch cà, trái hình bầu xắt khoanh tròn dầy khoảng 2 cm, trái nhỏ và trái dài xẻ đôi (trái dài xắt khúc nhỏ).  Ngâm trong thau nước lạnh có nhỏ thêm vài giọt nước chanh tươi cho cà được trắng và sẽ không bị hút nhiều dầu khi chiên. Ngâm độ 10-15 phút, rửa lại nước lạnh và để ráu.  Cho vài khoanh tỏi khử trong chảo dầu trước khi cho cà vào chiên vàng đều 2 mặt (Đừng chiên quá nhiều dầu, chỉ rưới thêm một ít dầu trong lúc chiên khi thấy cà bị khô).  Cà chín lấy ra để trên giấy (paper towel) cho ráu dầu.

Đậu Hủ:  Đậu hủ tươi rửa sạch để ráu và xắt làm 2- 4 miếng nhỏ.  Khử vài khoanh tỏi vào trong chảo dầu, sau đó cho đậu hủ vào chiên vàng đều 4 mặt.  Đậu hủ chín lấy ra để trên giấy (paper towel) cho ráu dầu.

Hành, Gừng, Ớt:  Hành lá 1 cọng xắt khúc, tướt sợi. Phần còn lại xắt hột lựu khử với dầu làm dầu hành (Bắt son dầu hành ra khỏi mặt lò/stove để hành không bị ngã vàng). Gừng xắt sợi nhuyễn và ớt xắt xéo.

Nước Chấm: Tùy sở thích, bạn có thể làm nước chấm một trong ba cách như sau:

  •  Maggie hoặc xì dầu:  Không cần pha chế.
  • Xì dầu pha với dấm rượu và dắm gừng: 3 muỗng canh nước xì dầu, ½ muỗng café dắm rươu, ½ muỗng café dấm gừng.
  • Tương xay pha với xì dầu, dắm rượu và dắm gừng:  1½ - 2 muỗng café tương xay, 3 muỗng canh xì dầu, 1 muỗng café dắm rươu, 1 muỗng café dắm gừng.  Cho vào son nhỏ nấu lửa vừa cho đến khi tương hơi sệt thì tắt lửa.  Quậy đều tay trong lúc nấu để tránh bị khét đích nồi.  Nêm lại cho vừa khẩu vị, nếu bạn thích ngọt, có thể nêm thêm đường.

CÁCH TRÌNH BÀY:

Cà và đậu hủ sau khi chiên xong để vào dĩa trình bày theo sở thích. Trên mặt, lần lượt cho tỏi chiên vàng, dầu hành, hành lá tươi và gừng xắt sợi, ớt hiểm, ngò và tiêu.  Nước chấm có thể cho vào dĩa cà hoặc chấm riêng .


30 tháng 12, 2015

Về Mùa Nước Nổi

   

Hình ảnh & Thực hiện:  Khúc Giang
Nhạc đệm: "Quê Nghèo"
Nhạc: Phạm Duy, Đàn bầu:  Phạm Đức Thành

26 tháng 12, 2015

khucgiang.blogspot.ca


Trích thơ:  Trần Thiện Hiếu

***

Ngày xưa khi còn học ở Sài Gòn, Khúc Giang được cô bạn dẫn đi đến nhà một thầy mù ở gần chợ Bến Thành để xem chỉ tay vì nghe nói thầy rất hay.  Lúc đó mình tự hỏi: “Thầy bị mù, làm sao thầy có thể coi chỉ tay được?”. Thế nhưng thầy nói nhiều điều rất đúng, thầy cho biết:  “Cô làm gì cũng chậm chạp, thường đi sau người khác nhưng kết quả là cũng đuổi kịp người ta”.  Nghe thầy nói vậy, làm Khúc Giang nghĩ không lẽ mình có số con rùa chăng?  Trãi qua đời sống tha hương đã trên ba mươi năm, nhiều lần nhớ lại lời thầy nói cũng không sai.

Vào tháng Sáu năm 2009, nhờ chị Kim Oanh gợi ý Khúc Giang nên làm thơ hay viết văn để vơi bớt những nỗi muộn phiền và hụt hẫng tinh thần trong đời sống, nên Khúc Giang đã trở thành mầm non tập làm thơ, viết văn và khi ấy mới khám phá ra chính tả của mình thật là tệ.  Cám ơn chị đã giúp em rất nhiều trong thời gian đó và đã tìm cho em một liều thuốc quí rất có hiệu quả.   

Qua văn thơ hay một cơ duyên nào đó, Khúc Giang được quen biết một số anh chị ở trong và ngoài nước đã hơn một thời gian trên dưới sáu năm. Dường như anh chị nào cũng có blog riêng để chia sẻ vui buồn cho nhau, lưu trữ bài viết và gom góp lại những bài của mình đã được đăng rải rác vào những website khắp nơi.  Ai cũng hỏi sao Khúc Giang không làm blog cho mình?  Chẳng biết trả lời sao ngoài lý do như đi làm về trễ, cuối tuần bận rộn hay coi phim quá nhiều …   Nhưng lý do thật sự là Khúc Giang không có hứng thú cho lắm vì văn thơ không phải là sở trường, nên bài viết không được phong phú như một nguồn suối tuôn chảy, dồi dào tình ý.

Nhân dịp nghĩ lễ Giáng Sinh 2015, Khúc Giang mới quyết định làm trang blog.  Ví đời mình như một khúc sông nào đó, khi êm đềm, khi gợn sóng nên “Khúc Giang” được dùng làm bút hiệu cho những bài viết và tên blog của mình. 

Khúc Giang cám ơn anh chị viếng trang nhà mới hình thành.  Để đón mừng tân niên năm Bính Thân 2016, Khúc Giang mến chúc anh chị một năm mới an khang và sống tất dư phúc.

Khúc Giang
26.12.2015
    

24 tháng 12, 2015

Dải Lụa



- Ông cụ Vạn ở xóm giếng héo sữa rồi.

- Sao cụ ấy về dễ dàng thế. Chiều hôm qua còn gặp chăn bò trước cửa chùa Hoa Đạo.

- Thế mới gọi là tiên cảnh ngàn thu.  Ông cụ đi như đi ngủ.  Mười giờ đêm còn ngồi xem phim Tam Quốc diễn nghĩa.  Cứ tấm tắc khen cái đoạn Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu luận anh hùng.  Một lúc sau kêu tức ngực, lên giường nằm thế là đi luôn.  

Chuyện cụ Vạn quy tiên chỉ một lúc sau đã lan truyên khắp làng Thượng.

Nghĩa tử là nghĩa tận, bà con làng xóm, họ hàng nội ngoại đều xếp sắp công việc đến chia buồn với gia đình người quá cố và tiễn đưa linh cữu đến nơi an nghĩ cuối cùng, đào sâu, chôn chặt, mồ yên mả đẹp.

  Ở làng Thượng từ xưa, không ăn uống, rượu chè trong đám hiếu.  Các cụ bảo, người than khóc sầu não về nỗi mất mẹ, mất cha, kẻ ngồi chè chén còn ra làm sao nữa!  Nhưng làng cũng có lệ sau khi phát tang, thường lưu giữ thi hài người quá cố, nhất là người cao tuổi, con cháu đề huề, ở trong nhà một đêm để kèn trống và để họ hàng, bằng hữu xa gần phúng viếng.  Gần đây lại phục hồi tục:  Khi sinh thời yêu ai sâu sắc thì lúc về cảnh tiên, người bạn tình đến vĩnh biệt và đặt ngang quan tài một dải lụa hồng.  Ngày xưa, con gái lấy chồng, con trai lấy vợ là do mẹ sắp đặt.  Còn yêu nhau, bởi phận tơ hồng trời se.  Ý trời hẳn phải hơn ý người.  Nhưng đến khi một người sang cõi vĩnh hằng, người còn lại mới dám công khai.  Điều đó, khiến người đời thêm tò mò, phỏng đoán.

   Có người đến viếng ông cụ Vạn xong còn ngó vào tận linh cữu xem đã có dải lụa hồng nào chưa.  Và khi quay ra, họ lắc đầu, bảo:

- Quan tài còn trống lắm.  Tịnh chưa có một dải lụa nào.  Cái đám nầy buồn bỏ mẹ.  Chẳn  bù cho đám bà Lý. Vừa đúng ba cỗ dải lụa hồng nhé.

- Bì thế nào được với bà Lý. Bà ấy đẹp người đẹp nết nên nhiều ông mê là phải.

- Bà Na chả đẹp ư?  Vậy mà khi hết cơm, hết gạo chả có một dải lụa nào.  Con cháu cứ buồn thiu.

  Con cháu bà Lý có mặt trong đám ma cụ Vạn có vẻ tự hào, mãn nguyện về mẹ, về bà mình lắm.  Họ tự hào, mãn nguyện là phải.  Họ đã đón tiếp những người bạn tình của mẹ mình niềm nở, trân trọng và biết ơn.  Bởi những người ấy dám vượt lên mọi hoàn cảnh để đến với mẹ mình thật đúng lúc.

  Người đời thật lạ.  Sinh thời, chúa ghét chuyện gió trăng.  Rồi ghen tuông, oán hờn, thù giận tình địch của mình.  Vậy mà khi người thân ra đi, lại cảm thầy tủi phận, trống vắng nếu như trên nắp quan tài không có lấy một dải lụa hồng.  Người ta bảo nhau, ông ấy, bà ấy phải là người trai tài gái sắc thế nào mời được nhiều người yêu đến thế.  Tục ở làng Thượng, người nào càng giữ chặt được mối tình của mình ở trong lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con cháu mới biết thì tình yêu ấy mới thật sự cao quý, thiêng liêng.  Còn để lộ ra, làng biết cả rồi, còn mang lụa đến làm gì nữa.

  Phải giữ được bí mật như ông Dinh, xóm Đình mới tài.  Trước khi cải tạo tư thương, ông Dinh làm chủ ba quả lò vôi.  Ông ngược xuôi bán vôi khắp Hà Nội, Sơn Tây, chả có điều gì.  Khi sắp lâm chung, ông Dinh mới chỉ chỗ cho vợ con đào hai cái ấm tích lên, bảo:  “Số vàng này đã chia theo di chúc.  Cúng ba ngày xong mới được thực hiện.  Và phải điện khẩn cho người nầy, người nầy …”  Bấy giờ vợ con mới vỡ nhẽ, ông có ba người tình.  Vàng chia cho vợ, cho người yêu và các con trai con gái như nhau.  Khi linh cữu ông Dinh còn quàn trong nhà, có hai bà người Hà Nội về vắt hai dải lụa lên.  Còn bà ở Phú Thọ, mãi hôm cúng ba ngày, mới tất tưởi đem dải lụa vắt qua nấm mộ.  Di chúc ông còn nói rõ rằng sở dĩ ông có được bấy nhiêu vàng là nhờ vào công sức của tất cả các bà.

  Trở lại chuyện đám ma cụ Vạn.

  Gần như cả buổi sáng hôm sau, chốc chốc lại có người làng Thượng ngó vào linh cữu.  Người sau theo người trước, họ lắc đầu quay ra.  Điều đó, khiến vợ con cụ Vạn tủi thân lắm.

  Những người đi đào huyệt đã về.  Xóm làng rộn rịp chuẩn bị đưa cụ Vạn đến nơi an nghỉ cuối cùng.

  Giữa lúc đó, một người tung niên, mái tóc lốm đốm bạc, ăn mặc kiểu thành phố, vét tông màu đen, đeo băng tang đen thong thả đi vào sân.  Trông cặp mắt, bước đi đều tỏ ra điềm tĩnh, tự nhiên.  Ông cung kính cúi chào bà con, đúng theo nghi lễ làng Thượng rồi không phải hỏi thăm ai, bước tới trước mặt người em ruột cụ Vạn, chắp tay, cúi đầu, nói nhỏ mấy câu.  Ông cụ mở tròn mắt nhìn người khách lạ rồi gật gật đầu.  Bấy giờ khách mới từ từ đi vào bên linh cữu nhìn rất lâu vào gương mặt vàng bệch của cụ Vạn qua tấm kính.  Đoạn người khách gục xuống qua tài đau đớn kêu lên một tiếng như vỡ ra tự trong tim:
- Bố ơi!
  Người làng Thượng chăm chú theo dõi từng cử chỉ của ông khách chưa một lần xuất hiện, cùng thốt lên:
- Con cụ Vạn.
- Thảo nào, tôi đã nghi từ đầu.
- Trông cũng nhang nhác giống cụ Vạn.
- Giống như hai giọt nước chứ nhang nhác gì.
- Không biết hỏi thăm ai mà biết cụ Thọ là chú ruột mới tài.
- Mẹ của ông ấy còn hay mất mà không thấy nhỉ?

***

  Mồ côi cha mẹ từ bé, anh em ông Vạn mỗi người phiêu dạt một nơi mãi sau ngày giải phóng Điện Biên, mới gặp nhau.  Ông Thọ bị mẹ mìn đem lên mạn ngược bán cho người Thổ.  Rồi tham gia quân đội, chiến đấu ở vùng Thượng Lào.

  Còn ông Vạn đi ở chùa Hoa Đào.  Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm ẩn mình dưới chân núi Phượng Hoàng, một quả núi đá vôi cao chót vót và có nhiều hang động thuộc địa phận làng Cả, cách làng Thượng một cánh đồng.  Xung quanh chùa trồng toàn đào ăn quả.  Mùa xuân về, hoa đào thắm hồng một sườn núi.  Lúc còn nhỏ, ông Vạn trông coi vườn đào, quét chùa, chăn bò.  Lớn lên, ông Vạn trở thành lực điền của nhà chùa.  Năm ông ngoài hai mươi tuổi, sư cụ trụ trì có thêm đồ đệ mới.  Chú tiểu nữ, có dáng người tầm thước, da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt lóng lánh luôn luôn nhìn xuống.  Chú sáng dạ, chăm làm, thông tỏ kinh Phật, thuộc làu Chư Kinh nhật tụng, lại giỏi việc nhà, thạo việc đồng áng, từ xay lúa, sàng gạo đến tát nước, nhổ mạ, cấy, gặt, hái rau.  Nhiều trưa, tiểu không nghỉ, xay ầm ầm mấy thúng thóc liền.  Có hôm thóc hết tự lúc nào, răng cối va vào nhau xàn xạt, thớt trên rung bần bật như lên đồng mà chú vẫn mải mê. Không việc gì, tiểu không làm được.  Ngoài sư cụ, không ai biết tiểu là gái Hà Thành, tên gọi Hoàng Tú Oanh, sinh trưởng trong một gia đình buôn bán giầu có, được dạy dỗ, học hành chu đáo.  Mười sáu tuổi, bố mẹ cho cô đi tu.  Bởi đi xem ở đâu người ta cũng bảo số cô nặng căn lắm, lại đào hoa bạc mệnh nên phải gửi thân ép xác cửa thiền.  Cô được gửi gắm người cô họ đang trụ trì chùa Vân Hồ, một chùa lớn bên hồ Bảy Mẫu, phía Nam Hà Nội.  Ba năm sau, sư cụ Vân Hồ thấy mỗi ngày tiểu một đẹp rực rỡ,  sợ để ở chốn Hà Thành đô hội, thường ngày tiếp xúc với bao giai nhân, tài tử thì khó mà ép xác cho tròn quả phúc, bèn gởi cho người bạn đồng đạo ở chốn thôn quê hẻo lánh.

  Ở chùa đã khổ hạnh, chùa nghèo, chùa nhỏ ở chốn thôn quê còn khổ hạnh bội phần.  Quanh năm chỉ có cơm gạo cũ với rau muống già chấm tương.  Thỉnh thoảng có bửa “cá” kho.  Đó là những quả mướp đắng, cắt khoanh, om tương.  “Cá” nhà chùa, ăn đắng từ trong ruột, đắng ra.  Thoạt đầu tiểu Oanh nôn mật xanh, mật vàng.  Sau rồi quen đi, lại thấy ngon.  Con gái ở tuổi dậy thì, ăn bao nhiêu cũng chẳng biết no, nhịn vài bửa cũng không thấy đói, ăn khổ mấy vẫn thấy ngon miệng.  Cơ thể tiểu Oanh cứ rừng rực, rừng rực như bốc lửa.  Lửa bốc từ trong lòng bốc ra.   Thức thâu đêm, đọc bao nhiêu kinh cũng không dập tắt được.  Nhiều đêm lửa còn thiêu đốt cả kinh kệ, chữ nghĩa nhà Phật.  Tiểu Oanh bỏ kinh đi xay lúa, giã gạo.  Càng xay, càng giã, lửa càng bốc cao.  Ba bốn giờ sáng, trời lạnh cứa da, cứa thịt, tiểu Oanh lội xuống ao vớt bèo những mong cái buốt cái rét giá thấu xương dập tắt ngọn lửa lòng đi … 

  Sư cụ và các vãi vẫn thầm khen, tiểu Oanh chịu khổ xác.  Chăm làm như anh lực điền Vạn cũng lắc đầu, không sao theo kịp tiểu Oanh.

  Năm ấy, mùa hè, anh Vạn cày bừa mấy thửa ruộng ở phía sau chùa.  Đi vòng vài trăm bước qua đầu núi là về tới “nhà”.  Về chùa dềnh dàng sợ nghĩ lâu.  Trưa nào, tiểu Oanh cũng mang cơm ra cho anh Vạn.  Tiểu không bao giờ gọi, chỉ lẳng lặng để cơm vào chỗ cửa hang hình khum khum tựa mái chòi, nơi anh lực điền vẫn nghỉ trưa rồi lội xuống ao muống ở sát chân núi, cặm cụi hái từng ngọn rau già.  Anh thợ cày ngẩng lên thấy tiểu hái rau, biết đã có cơm.  Anh cho trâu xuống một cái chuôm gần đó cho nó đằm còn mình thì rửa chân tay, lên hang ăn cơm.

  Trưa hôm ấy, nắng chết cá.  Anh vừa bừa, vừa vớt được bao nhiêu là cá.  Anh chỉ dám cho trâu đằm một lát rồi dắt lên hang cho nó nghĩ.  Vậy mà tiểu Oanh vẫn cắm cúi hái rau.  Ngọn rau vừa bứt khỏi tay đã héo ràu ràu.  Rau đã già lại héo thế kia thì răng nào mà nhai cho nổi.  Chỉ khổ tiểu và mấy người thợ cấy, thợ cày.  Anh Vạn đánh bạo gọi:

- Nhà chùa nghỉ tay một lát đã.  Rau già lại héo răng chúng tôi không dứt nổi đâu.

  Chẳng rõ chú tiểu có nghe rõ không mà chẳng hề có hồi âm.  Anh Vạn lại gọi.  Tiểu vẫn mải mê hái rau.  Anh Vạn đâm lo.  Khéo tiểu say nắng, gục xuống thì chết mình.  Sư cụ quở trách, biết nói thế nào.  Thế là anh lực điền đâm liều.  Anh lội ào xuống ruộng muống, cầm tay tiểu vừa kéo lên bờ vừa nói:

-  Nhà chùa muốn chết à?   

  Lần đầu tiên, anh thợ cày nhìn trưc diện vào gương mặt, vào cặp mắt tiểu Oanh.  Chao ôi, nó cứ bừng bừng, như thiêu đốt anh.  Chẳng hiểu do nắng lửa, hay do anh cầm vào cổ tay tròng lẳn của tiểu mà cặp mắt, đôi gò má tiểu bừng bừng như thế.

  Tiểu Oanh ngồi thụp xuống cửa hang, thở dốc từng hơi dài, đôi bờ vai rung lên.  Anh lực điền sợ lắm!  Tiểu Oanh cảm thật rồi, hơi thở nóng như hơi lửa. Anh thì thầm:

- Tiểu ốm rồi.  Để tôi đưa về.

  Anh lựcc điền cúi xuống cầm cánh tay tiểu định đỡ tiểu đứng dậy.  Chợt tiểu giật bắn người, toàn thân co dúm lại.

- Đừng động vào người tôi.  Đừng động vào tôi.

  Nhưng lúc ấy, anh thợ cày đã cảm thấy trong lòng rạo rực.  Anh trở nên liều lĩnh, bất cần và hành động theo bản năng sai khiến.  Lúc anh cảm thấy cái hang đá chao nghiêng ngả thì tiểu bất thần kêu lên:

- Ối!  Mẹ ơi, con chết mất!

  Rồi tiểu lịm đi.  Đôi mắt nhắm nghiền.  Chân duỗi thẳng, hai tay dang rộng.  Anh thợ cày sợ hoảng hồn.  Mồ hôi vã ra như tắm.  Chợt tiểu mở mắt, mỉm cười:

- Anh đừng sợ.  Không sao đâu.   

  Ba tháng sau, người làng Cả thấy vắng bóng chú tiểu Oanh.  Các vãi tò mò hỏi.  Sư cụ  trụ trì chùa Hoa Đào bảo:

- Tiểu Oanh về Hà Nội học thêm kinh kệ.

  Dần dần trong ký ức của mình, người làng Cả đã quên hẳn tiểu Oanh.  Chỉ một vài người già sống cùng thời với tiểu là còn mang máng nhớ, cái năm sư cụ xây Tháp Xá Lị, có chú tiểu ngoài Hà Thành đẹp lắm về tu ở chùa làng mình.  Được vài ba năm thì chuyển đi nơi khác.  Từ đó đến nay trải mấy chục năm rồi.  Đã có mấy đời sư trụ trì ở chùa Hoa Đào.  Nếu tiểu Oanh còn sống cũng phải ngót tám mươi. 

  Thực ra, tiểu Oanh được bí mật đưa về nhà bố mẹ đẻ chứ không phải đi học thêm kinh kệ như cụ nói.

  Sáng sớm hôm ấy nhà chùa sai anh lực điền Vạn đi tát nước ở mãi cánh đồng Chắt, cách làng Cả phải tới năm dặm đường.  Buổi tối, anh Vạn về không thấy tiểu Oanh đâu.  Hỏi ai cũng lắc đắc đầu không biết.  Anh đánh bạo hỏi sư cụ.  Sư cụ cầm miếng trầu quệt ngang môi, bảo:

- Tiểu về Hà Nội rồi.
Anh hỏi tiếp:
- Bạch cu, tiểu đi có lâu không?
Sư cụ bảo:
- Hỏi làm gì.  Nhà chùa tha tội chết cho con đấy.

   Anh lực điền Vạn sa sầm mặt mày, tưởng đổ gục xuống như cây chuối hột bị một nhát dao sắc lẹm phạt ngang gốc.  Thảo nào, cả ngày hôm ấy anh làm việc gì cũng hỏng.  Ruột gan nóng cồn cào.  Anh tát nước, liên tục va miệng gàu vào bờ.  Anh làm cỏ, cây thường mực không nhổ, toàn nhổ vào dảnh lúa.  Mấy bà cùng làm với anh kêu trời kêu đất:

- Nhà chú phải để tâm vào chứ.  Làm ăn thế này thì sư cụ đuổi bỏ.

  Đận ấy, anh lực điền Vạn đổ ốm một trận tưởng chết.  Hàng tháng trời, anh không ăn, không ngủ, cổ họng khô bỏng, đắng ngắt, ngực đau tức như có cái cối đá đè lên.  Mỗi ngày vuốt đầu,  tóc rụng đầy kẽ ngón tay.  Nỗi đau lặn vào lòng, không người chia sẻ, không người hỏi han.  Anh tưởng được sống hạnh phúc một đời với tiểu Oanh.  Hai người đã bàn nhau bỏ trốn.  Tiểu Oanh bảo đợi cuối tháng, đêm tối trời, hai đứa cuốc bộ ra Canh Diễn rồi vẫy xích lô ra  xe lửa xuôi xuống Phòng (1), ở Phòng, Oanh có bà dì ruột thương Oanh lắm.  Bà đã cực lực phản đối bố mẹ đưa Oanh vào nương nhờ cửa Phật.  Bà bảo:

- Cứ quẳng nó vào đời đi, cho nó bơi, nó ngụp.  Nếu nó không tìm thấy nguồn vui, không tìm thấy hạnh phúc, lúc ấy đi tu cũng không muộn.  Việc gì phải nghe mấy ông thầy số làm khổ con bé.

  Bây giờ, gặp cảnh ngộ này, nhất định dì sẽ bí mật giúp Oanh.

  Nhưng cuộc cống đã không như tiểu Oanh mong ước.  Tiểu bị giam cầm trong nhà.  Mẹ không rời Oanh nửa bước.  Mấy lần Oanh định liều chết mà không xong.  Thiếp đi thì thôi, chứ tỉnh dậy là tiểu Oanh ngồi xếp bằng quay mặt vào bức tường trông về phía chùa Hoa Đào, nơi có anh lực điền Vạn, hẳn cũng đang phải trải qua sự mất mát, đau đớn nhất trong đời.   Tại sao số phận run rủi tiểu Oanh với anh thợ cày nghèo khổ ấy.  Họa có trời mới biết.  Mẹ bảo:

  - Đó là éo le của tạo hóa.  Bởi vậy bố mẹ đã cho con thoát tục mà vẫn không sao tránh được khổ đau.  Con còn vương vấn với cuộc đời thì còn khổ cực, đắng cay lắm. 

     Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, bố mẹ giữ thằng Chít lại nuôi dạy và bắt tiểu Oanh bước tiếp con đường tu hành.

  Thằng Chít được cái khỏe mạnh thông minh.  Nó không hề biết cha mẹ mình là ai.  Thỉnh thoảng sư bà vẫn đến nhà thăm hỏi ông bà ngoại và mua quà cho nó.  Tốt nghiệp phổ thông, Niên, tên thật của thằng Chít, nhập ngũ vào binh chủng pháo binh, chiến đấu trong Vĩnh Linh.  Sau hiệp định Pa-ri, Niên được giải ngũ.   Anh theo học trường Đại học tài chính.  Bây giờ, anh đang làm giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên buôn bán máy vi tính điện tử.

  Vào những năm cuối thập kỷ tám mươi, chùa Hoa Đào bổng nhiên thiếu sư trụ trì.  Chẳng rõ có phải do điềm trời khộng, mà hai ba ni cô thay nhau về chùa được dăm ba tháng lại bỏ đi.  Người sau cùng là ni cô Đàm Tú.  Các cụ vãi làng Cả bảo, mắt sư cụ tinh lắm, còn xâu kim được.  Nhưng răng chẳng còn chiếc nào.  Sư cụ ăn quả trứng chưng tương còn độc, chỉ có ăn mướp đắng kho tương thôi.  Hết mùa mướp đắng thì ăn củ rau khô dầm tương.  Sư cụ thông tỏ kinh Phật lắm.

  Từ ngày cụ Đàm Tú về trụ trì, cảnh chùa Hoa Đào ngày một khang trang, sầm uất.  Sư cụ chữa chùa, sửa tam quan, tô tượng, xây tháp chuông.  Người trong vùng kéo đến quy y đông lắm. Tiếng tăm, công đức sư cụ lan truyền khắp mọi nợi  Không đám hiếu nào, sư cụ không cầm tích trượng đi làm phúc cầu hồn cho người quá cố được siêu sinh, tịnh độ.

  Cái chết của cụ Vạn trên làng Thượng đã gây một cái sốc lớn trong lòng sư cụ.  Nhiều hôm, ông cụ Vạn chăn bò trước cảnh chùa, sư cụ Đàm Tú vẫn mời ông cụ vào chùa uống chén nước nụ vối.   Sư cụ ngồi đối diện với cụ Vạn, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa lặng lẽ ngắm nhìn cụ Vạn không chán mắt.  Lúc ông cụ ra về, bao giờ sư cụ cũng gửi chút lộc Phật, khi là phẩm oản đường, khi quả chuối, phẩm oản nếp cho các cháu và tiễn đưa ra tận cổng chùa, quyến luyến một lúc mới chia tay.

 Cụ Vạn cung kính, chào:

 - Bach cụ, tôi về.

 - A-di-đà Phật

  Sư cụ cứ ngỡ ông cụ Vạn tai đã nằng nặng, mắt không còn tinh nữa, hẳn không nhận ra hình dáng tiểu Oanh khi xưa mà cụ đã nặng lời thề nguyền.

 Sư cụ đã tưởng được yên thân đến khi thác về cõi Phật.

  Không ngờ chiều hôm đó, ông cụ Vạn ngồi uống liền hai chén nước nụ vối và trân trân nhìn sư cụ.  Sư cụ giật mình, hỏi:

- Cụ có điều gì?
- Bạch cụ.  Tôi …tôi hỏi khí không phải xin cụ thứ lỗi.
- A-di-đà Phật
- Bạch cụ.  Con … con … của … của có còn không?
- Thưa cụ, còn … còn ạ.
- Bạch cụ, trai hay gái.
- Thưa cụ … trai … ạ.
- Bạch cụ, con … có tử tế, nên người không?
- Thưa cụ, con được ông bà ngoại nuôi dạy chu đáo lắm
- Bạch cụ, tôi muốn … muốn … gặp nó có được không?
- Thưa cụ, mong … mong cụ hiểu cho.  Con chưa biết bố mẹ mình là ai?
- Bạch cụ, tôi hiểu, tôi hiểu … Tôi chết nhắm mắt được rồi.

   Hóa ra ông cụ Vạn dở chứng về trời.

  Tục lệ ông của làng Thượng đã đẩy cư sụ Đàm Tú vào thế vô cùng khó xử.  Sư cụ ngơ đi cũng chả ai biết đấy là đâu.  Nhưng cái tâm không thể nào yên.  Dù có lên cõi Niết bàn cũng vẫn còn day dứt, khổ đau.  Suốt cuộc đời sư cụ chịu khổ xác cũng chỉ mong cho cõi tâm được nhẹ nhõm, thanh thản.  Bởi thế sư cụ Đàm Tú đã quyết định ra mắt con trai và báo cho nó biết cha nó là ai,  Hậu quả việc này rồi sẽ ra sao?  Đã có người đời phán xử.

  Sư cụ Đàm Tú chống tích trượng vào đám hiếu ông cụ Vạn.  Người làng Thượng cung kính chào:

- Niệm Nam mô A-di-đà Phật! Bạch cụ đi làm phúc.

  Sư cụ cúi chào, đáp lễ rồi đi thẳng đến bênh linh cữu cụ Vạn.  Bấy giờ sư cụ mới bỏ tấm khăn nâu để lộ ra tấm khăn xô và lấy trong túi áo ra một dải lụa hồng, trân trọng vắt ngang qua linh cữu ông cụ Vạn …

Làng Gồ Cả
Giờ Thìn, ngày Nhâm Tý, tháng Bính Tuất, năm Ất Hợi 


Kim Oanh - Sưu Tầm